Bhutan
Những con người
hạnh
phúc
Cái cách mà người dân ở nơi đây mưu cầu hạnh phúc thì luôn khiến các quốc gia trên thế giới phải ngưỡng mộ.

Đối với nhiều người trên thế giới, hạnh phúc không được được đo đếm bằng tiền bạc hay vật chất.

Quả thực như vậy, các siêu cường trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc đều hiếm khi đạt được thứ hạng cao khi người ta cân nhắc một bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, và bản thân đất nước hạnh phúc nhất thế giới lại không phải là một nước phát triển. Quốc gia này dường như không hề biết tới ngày Quốc tế Hạnh phúc khi mà bản thân mỗi người dân đều đã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của chính mình.

Đất nước của
đạo Phật

Những bóng áo cà sa đỏ có ở khắp mọi nơi, những khung cửa được chạm trổ cầu kỳ của các mái chùa và mùi hương trầm thơm phức luôn là khung cảnh hấp dẫn khiến bất cứ khách du lịch nào cũng muốn một lần tìm về nơi đây để gột rửa mọi vướng bận.

Paro
bình yên

Thành phố nhỏ bé này nằm trong thung lũng ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển - nơi có sân bay quốc tế duy nhất ở Bhutan. Đây được xem là sân bay nguy hiểm nhất thế giới với đường băng rất ngắn, máy bay chỉ có thể đáp được vào những ngày trời trong, ít gió và nắng.

ngày nắng đẹp

Paro đón tôi vào một ngày nắng đẹp, trời trong, gió nhẹ sau khi tôi dừng chân ở Kolkata (Ấn Độ) trên chuyến bay từ Bangkok đến Paro. Ngay khi máy bay chao hẫng vài nhịp lướt qua đỉnh Everest hùng vĩ ở xa xa, tôi mới biết mình sắp hạ cánh xuống Paro. Ngoài kia, qua cửa sổ máy bay là cả một cảnh tượng hùng vĩ, ngoạn mục: Mây núi bồng bềnh trắng xóa, nhà cửa thoắt ẩn thoắt hiện…

Tôi yêu Paro không phải vì nó là nơi bắt đầu hành trình dài trên đất nước bình yên này, mà bởi tôi biết đến Bhutan từ tình yêu dành cho Paro. Tôi biết Paro khi đọc tin trên báo – đó là nơi diễn ra đám cưới trong mơ của cặp diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Lưu Gia Linh và Lương Triều Vỹ tại Paro Dzong.

Thimphu
Thủ đô bình dị

Thimphu được chọn là thủ đô của Bhutan từ năm 1961. Đây được xem là thành phố lớn nhất và là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông. Tất cả đều theo sự hướng dẫn của cảnh sát, ấy thế mà mọi thứ thật trật tự và không thấy nạn “kẹt xe” ở nơi này.

Tôi may mắn đến đây vào đúng dịp thủ đô cấm đường xe chạy, các nhà hàng quán xá đóng cửa từ sáng sớm đến tối chỉ để dành thời gian cho sự kiện trọng đại: Trận đấu vòng loại World Cup 2018 giữa đội bóng Bhutan và Trung Quốc. Người dân Bhutan cũng cuồng nhiệt và say mê hết mình với môn thể thao vua.

Khoác trên mình chiếc áo “I love Bhutan”, tôi hòa vào không khí náo nhiệt và say mê ủng hộ đội Bhutan tại sân vận động Changlimithang. Dù không giành chiến thắng nhưng đội bóng Bhutan đã chơi hết mình, rất tuyệt vời.

Để đến Bhutan, bạn phải bay qua Bangkok, từ đây đáp chuyến bay sớm đi Bhutan, quá cảnh 30-45 phút ở Kolkata (Ấn Độ). Bạn nên chuẩn bị thêm chi phí trong trường hợp máy bay hoãn chuyến phải ở lại.

Hiện có 2 hãng hàng không là DrukAir và Bhutan Air bay đến Bhutan từ Bangkok, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay duy nhất.

Theo quy định, bạn phải trả ít nhất là 200 USD cho 1 ngày lưu trú bao gồm ăn, ở, chưa gồm vé máy bay. Bạn phải xin visa trước khi khởi hành thông qua công ty du lịch.

Có rất nhiều công ty du lịch để bạn liên hệ lịch trình và xin visa vào Bhutan. Ngoài tour hành hương thăm tu viện và tìm hiểu về Phật giáo còn có tour trekking và các tour thông thường khác.

Với taxi ở Bhutan, bạn phải trả số tiền cố định là 120 Nu (khoảng 2 USD) cho 1 chuyến và bắt buộc phải gồm 4 người đi. Nếu bạn đi một mình thì phải trả tiền cho 4 người hoặc nếu không thì phải đợi đủ 4 người mới đi.

Đồ ăn địa phương ngon nhưng rất cay vì nhiều ớt. Món đặc trưng luôn thấy trong mọi bữa ăn là ớt xào với phô mai.